Người Giẻ Triêng Cúng Cầu May
--- Bài mới hơn ---
(GLO)- Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi khi đến thăm làng Roóc Mẹt, xã biên giới Đak Nhoong, huyện Đak Glei (tỉnh Kon Tum) là phía trước nhà nào cũng treo từ một đến vài cái xương đầu trâu còn nguyên sừng. Già làng A Dên cho biết, đó là một trong những nét văn hóa riêng của người Giẻ Triêng lưu truyền bao đời nay.
Già A Dên kể: Theo phong tục của người Giẻ Triêng, khi trong gia đình có sự kiện vui hay buồn, bà con đều mổ trâu, lấy đầu cúng Yàng rồi xin rước đầu trâu từ nhà rông của làng về treo trên cột nhà. Đầu trâu khi cúng phải còn nguyên sừng. Chiếc sừng trâu tượng trưng cho sức mạnh của chủ hộ. Mục đích của việc cúng đầu trâu còn nguyên sừng là để xua đuổi ma làng, đem lại may mắn cho gia chủ.
Xương đầu trâu còn nguyên sừng treo trước nhà một hộ dân người Giẻ Triêng. Ảnh: H.Đ
Làng Roóc Mẹt có 85 hộ dân, nhà nào cũng có ít nhất 1 chiếc đầu trâu treo trước nhà. Nhà nào có nhiều sự kiện thì có cả chục chiếc. Tùy thuộc vào sự kiện xảy ra trong năm, có gia đình 1 năm cúng 2 lần, có gia đình 2-3 năm mới cúng.
Già A Dên cho biết thêm: Trước ngày làm lễ cúng trâu, gia chủ chuẩn bị kỹ càng mọi thứ rồi đi thông báo thời gian cụ thể cho bà con dân làng. Chủ hộ cúng sẽ mua 1 con trâu, không bắt buộc phải trâu đen hay trâu trắng, lớn hay nhỏ, mà tùy vào điều kiện kinh tế gia đình. Dân làng tập trung chặt tre, làm cây nêu dựng trước nhà để cột trâu. Sáng sớm, gia chủ sẽ làm lễ tế Yàng, cầu xin Yàng chứng kiến, khẩn cầu những mong muốn của gia đình.
Điều bắt buộc của lễ cúng Yàng là chủ nhà sẽ cầm 1 cái túi nhỏ, bên trong đựng một ít gạo, 1 quả bắp, chuối, lá rừng rồi đi xung quanh cây nêu 11 vòng. Chủ nhà đi trước rồi quay lại trao cho người thân, cứ thế tiếp tục cho đến người dự lễ cuối cùng. Sau đó, bà con nổi chiêng, giết trâu rồi cùng ăn uống, nhảy múa xung quanh cây nêu.
Khi giết trâu, phần thịt được chế biến thành các món ăn truyền thống, riêng đầu trâu được giữ lại phần xương và sừng, phơi khô, tiếp đến đích thân gia chủ sẽ đem về treo trước nhà. Trong vòng 10 ngày sau đó, điều kiêng kỵ của gia đình là không cho bất cứ ai đến nhà mượn tiền, mượn gạo. Và trong khoảng thời gian đó, hộ gia đình này cũng không lấy tiền ra mua bất cứ thứ gì. Cũng vì thế nên trước khi tổ chức cúng, gia đình phải chuẩn bị gạo, rau, nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết trong 10 ngày.
Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Giẻ Triêng ở Việt Nam có dân số 50.962 người, cư trú tại 29/63 tỉnh, thành phố; trong đó cư trú nhiều nhất ở các tỉnh: Kon Tum (chiếm 62,1%), Quảng Nam (chiếm 37,3%). Dân tộc Giẻ Triêng nói 2 ngôn ngữ là tiếng Giẻ (Jeh) và tiếng Triêng (Tariang), cùng thuộc thuộc nhánh Bahnar của ngữ hệ Nam Á.
Đầu trâu được treo trong nhà cho đến khi nào cũ, mục mới gỡ xuống. Khi nhìn thấy đầu trâu treo trong nhà, bà con Giẻ Triêng có niềm tin rằng đã được Yàng giúp đỡ và an tâm lao động, sản xuất. Tuy nhiên, ông A Nơm-một người dân trong làng, bộc bạch: Được chính quyền tuyên truyền về thực hành tiết kiệm, hiện bà con cũng đã hạn chế việc giết trâu cúng Yàng. “Chỉ khi nào trong gia đình hoặc trong làng có sự kiện rất lớn thì mới tổ chức cúng cầu may theo phong tục cũ thôi!”-ông A Nơm cho biết.
--- Bài cũ hơn ---