Từng có một thời, có những cái tên với khả năng kêu vong, tìm mộ đã khiến bao nhiêu con nhang, đệ tử phải cầu luỵ.
Thầy tôi, một giáo sư khả kính, được sinh viên yêu quý vì sự uyên bác và rất giàu lòng yêu thương. Nhưng thầy lại ôm một nỗi niềm canh cánh. Cho đến khi về hưu, thầy vẫn chưa tìm được ngôi mộ đã bị thất lạc của người cha vốn dòng tôn thất, nhưng lại làm quan và mất ở xứ người.
Trong những nỗ lực cuối cùng, thầy đã được giới thiệu đến một “cô” có khả năng tìm hài cốt bằng ngoại cảm. Một bản đồ được xác lập, một kế hoạch được lên tỉ mỉ. Mọi chuyện có vẻ khá rõ ràng đến mức có cảm tưởng, chỉ việc làm theo đúng như kế hoạch sẽ ngay lập tức đón được hài cốt cụ thân sinh ra thầy tôi.
Tôi và thầy cùng người nhà trắng đêm thứ nhất, đêm thứ hai, qua đêm thứ ba thì kế hoạch buộc phải dừng lại vì địa bàn có cơ mở rộng sang vài ba nhà lân cận. Mà việc thương lượng để đào xới, tìm hài cốt dưới móng nhà người ta không phải dễ dàng.
Nhất là những người hàng xóm đã chứng kiến sự thiếu chuẩn xác của việc hướng dẫn “chính xác 100%” theo lời của “cô” khi chỉ đạo qua điện thoại. Nhìn ánh mắt thất thần của người con đầu đã bạc mà vẫn chưa hoàn thành tâm nguyện của dòng tộc, tôi thấy thương thầy.
Nhưng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi thầy lại có thể tin vào một điều hoang đường đến thế. Sau này khi sự thật “tài năng” của “cô”bị phanh phui, rất có thể thầy tôi lại có thêm một niềm ân hận khác nữa.
Dư luận cũng đã bàng hoàng và phẫn nộ khi rốt cục, bộ mặt thật người cũng đã làm mưa làm gió trong việc gọi hồn, tìm mộ và đón vong bị bóc trần. Cô được coi là người đã giúp bao gia đình tìm được hài cốt của người thân bị thất lạc.
Cho đến khi mọi việc vỡ lở, nhiều bộ hài cốt khi xét nghiệm ADN lại không thuộc về … con người… Những ngôi mộ vô danh được định danh bằng thứ “công nghệ” thô sơ nhất. Không ít người vốn tin tuyệt đối đã lặng lẽ “sửa sai” bằng việc đem hài cốt của người thân đi xét nghiệm lại ADN trong nỗi xót xa, cay đắng và lo lắng.
Nhưng có vẻ, việc tìm vong, kêu vong tại thực địa mà người nhà được trực quan, xác nhận đã trở nên mạo hiểm, dễ để lộ chân tướng.
“Hậu sinh khả uý”, rút kinh nghiệm, các “chuyên gia” về vong đã chọn cách an toàn hơn, ít có khả năng kiểm chứng hơn, ấy là thực hiện “giải vong, báo oán” như cách người ta đã làm tại chùa Ba Vàng. (Và có thể không chỉ chùa Ba Vàng).
Không gì dễ thuyết phục và thu phục khách hàng hơn khi câu chuyện giải vong lại được “núp” dưới thuyết lý nhà Phật và diễn ra tại cơ sở thờ tự của đạo Phật. Khi nhà sư trụ trì cho rằng ” Giáo lý của đạo Phật nói về luật nhân quả, giải vong, báo oán là cách giúp người ta biết sợ quả báo mà phải sửa mình…” thì đó không chỉ đơn thuần là nguỵ biện, mà phải nói chính xác là sự lấp liếm của những kẻ biết khó che giấu được sự thực nên “cố cùng liều ngôn..”.
Phật giáo là tôn giáo không mầu nhiệm hoá sự linh thiêng. Thuyết nhân quả nhấn mạnh nếu “chấp ngã ” sẽ dẫn đến “sân si”, nghĩa là dẫn đến căn nguyên của những nỗi khổ mà con người tự gây ra và phải tự gánh chịu. Muốn thoát khỏi oan khổ phải “vô ngã”, phải vượt qua sự “vô minh”. Tương truyền khi mới sinh ra, Thái tử Tất Đạt Đa (Sau này là Đức Thích ca Muni – Shakyamuni Buddha) đã một ngón tay chỉ lên trời, một ngón tay chỉ xuống đất và nói “Thiên thượng, hạ địa, duy ngã độc tôn” – chỉ có “ta” mới quyết định được cho chính ta.
Điều hiển nhiên là thế, nhưng lại có những kẻ nhân danh Đức Phật, tìm một sự can thiệp “ngoài ta” hòng thay thế kết quả mà “ta” là người gieo nhân. Vậy tại sao vẫn đông người sẵn sàng bỏ công, bỏ của, chạy theo đón từng lời khuyến dụ đến mê muội?
Vì những kẻ nhân danh Phật giáo kia đã nắm được điểm của yếu của đệ tử, cứ khiến họ vô minh, gieo vào họ sự chấp ngã sẽ điều khiển được họ. Một cuộc “thôi miên tập thể” của những ông thầy, bà thầy “cao tay”. Người bình thường vốn không bệnh tật, gặp thầy chợt nhận ra mình có bệnh, rồi được chữa cho khỏi bệnh. Vậy là phải trả ơn bệnh ảo, thuốc ảo của thầy bằng một thứ rất thật: tiền.
Điều tôi quan ngại là, trong khi cơ quan chức năng và nhiều người dân thức tỉnh hoặc tự thức tỉnh, thì đâu đó vẫn có những thông tin “vô thưởng, vô phạt”, gợi sự tò mò hơn là lên án, đấu tranh, kiểu như: Nhiều tín đồ khẳng định phép mầu của bà Yến có thật; Bác sĩ xác nhận bệnh nhân sau khi làm lễ đã tiếp nhận thuốc và điều trị hiệu quả hơn…. Cách truyền thông “lập lờ đánh lận con đen” vô hình trung như là hình thức tiếp thị cho việc “giải vong, báo oán”.
Đã đến lúc phải trả lại cho tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng những giá trị đích thực của nó. Người tu hành phải diệt được “tham, sân, si”, phải “chính ngữ, chính kiến, chính nghiệp…” mới đủ khả năng khai sáng cho tín đồ, giúp họ tạo nghiệp tốt, gieo quả lành, chứ không phải dùng tiền để quy đổi, giải nghiệp.
Hành vi “vong kêu đóng tiền” phải bị coi là biểu hiện của mê tín dị đoan, làm phương hại đến kinh tế, phi khoa học, làm tổn hại đến giáo lý chân chính của Đạo Phật. Hành vi ấy cần bị lên án và phải có chế tài xử lý.
Trên cơ sở quan điểm của Giáo hội Phật giáo, chính quyền cần xác định mức độ vi phạm, căn cứ vào quy định pháp luật để công khai hình thức xử lý, giải quyết triệt để và mang tính răn đe. Tránh tình trạng để lâu sẽ “biến tướng” thành nhiều “mô hình chùa Ba Vàng” khiến vấn đề sẽ càng ngày càng phức tạp.
Nhím